KHÔNG THỂ THIẾU HOẠT ĐỘNG LÀM VIỆC NHÓM, THẢO LUẬN TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN TRONG ĐÀO TẠO ĐỀ CAO TÍNH ỨNG DỤNG THỰC TIỄN

Thông thường, trong các chương trình mang tính ứng dụng thực tiễn cao, thời lượng thường được phân bổ 20-25% thuyết giảng và 75% – 80% là làm việc nhóm, thảo luận tìm giải pháp cho tình huống thực tiễn, thuyết trình, nhận góp ý, phản biện nhằm xây dựng giải pháp khả thi áp dụng sau đào tạo, hướng tới hiệu quả.

Chính vì vậy, số nhóm thường được giới hạn không quá 5 nhóm và mỗi nhóm sẽ giao động từ 3-7 thành viên. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo cùng với việc nắm rõ các thông tin cần thiết về đối tượng học viên để nâng cao hiệu quả tương tác giữa giảng viên và học viên – đúng tiêu chí lấy học viên làm trung tâm, đi sâu vào giải quyết các vấn đề HV gặp phải và còn khiếm khuyết trong quá trình thực hiện vai trò của mình tại Doanh nghiệp.

Đã từng có giai đoạn, rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nhập máy móc thiết bị hiện đại về rồi bỏ không, máy móc tự xuống cấp theo thời gian, chi phí bảo dưỡng, lưu kho, bảo quản, loay hoay tìm cách thu hồi vốn,… hoặc mang quy trình từ tổ chức, doanh nghiệp khác để áp dụng vào doanh nghiệp mình. Điều này đã tạo nên một hệ quả không mong muốn mà chúng ta đều đã nhìn thấy…

Kiến thức, kỹ năng, công cụ cũng vậy, cần sự tiếp cận phù hợp: cách thức để đưa vào thực tiễn như thế nào, lựa chọn công cụ phù hợp hay tìm cách để phù hợp. Nếu không đúng phương cách, sẽ là sự lãng phí cùng sự bất mãn kèm theo để rồi tạo nên sự rối loạn cục bộ, phải tìm cách sửa chữa. Do đó, trong quá trình đào tạo, giảng viên không chỉ có nhiệm vụ cung cấp kiến thức, công cụ mà còn phải có trách nhiệm hướng dẫn cho học viên phương pháp để áp dụng những kiến thức đó vào thực tế.

Để có thể triển khai một khóa đào tạo đề cao tính ứng dụng thực tiễn, điều trước tiên là cần quy định số lượng tham dự phù hợp. Trong đào tạo trực tuyến, việc tổ chức làm việc nhóm, thảo luận, thuyết trình,… đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Số lượng tham dự càng cần được khống chế và kiểm soát chặt chẽ hơn mới có thể đảm bảo chất lượng và hiệu quả ứng dụng thực tiễn sau đào tạo thông qua việc triển khai đúng phương pháp đào tạo ứng dụng thực tiễn.

Bên cạnh đó, xác định và tiếp nhận đối tượng học viên phù hợp với nội dung, mục tiêu đào tạo của mỗi chương trình cũng cần được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng thảo luận nhóm, tăng giá trị lĩnh hội những gì khóa đào tạo mang lại.

Cuối cùng, xây dựng kế hoạch hành động sau đào tạo, áp dụng các kỹ năng công cụ đã được trang bị vào thực tiễn – đó là lý do mà các chuyên gia đào tạo luôn khuyến khích học viên chia sẻ và cùng thảo luận, dùng ngay chính các vấn đề của mình đang cần cải tiến, cải thiện để làm case-study ở các góc độ, cấp độ khác nhau.

KHÔNG THỂ THIẾU HOẠT ĐỘNG LÀM VIỆC NHÓM, THẢO LUẬN TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN TRONG ĐÀO TẠO ĐỀ CAO TÍNH ỨNG DỤNG THỰC TIỄN

error: Content is protected !!